TÁC ĐỘNG VÀ TÁC HẠI CỦA CÁC CHẤT GÂY NGHIỆN

Khái niệm cơ bản về chất gây nghiện

  • Chất gây nghiện: Là những chất tác động vào hệ thần kinh trung ương, gây biến đổi hoạt động chức năng của hệ thần kinh trung ương, nếu sử dụng lặp lại nhiều lần sẽ dẫn đến trạng thái lệ thuộc vào chất đó.
  • Chất ma tuý: Là chất gây nghiện bị cấm theo qui định của từng nước.
  • Dung nạp: Là tình trạng đáp ứng của cơ thể với một chất, được biểu hiện bằng sự cần thiết phải tăng liều để đạt được cùng một hiệu quả như trước.
  • Phụ thuộc cơ thể: Là sự đòi hỏi của cơ thể liên quan đến việc đưa vào đều đặn một chất hoá học ngoại sinh cần thiết để duy trì sự cân bằng của cơ thể, biểu hiện bằng hội chứng cai khi thiếu chất.
  • Phụ thuộc tâm thần (nghiện): Là thèm muốn bất thường, kéo dài, không kiểm soát được đối với chất gây nghiện hoặc bất cứ thứ gì mà người nghiện bị lệ thuộc trước đó.
  1. Đường sử dụng, các phương thức sử dụng

Đường sử dụng

 Tuỳ loại chất gây nghiện: Ăn, uống, hút, hít, đặt hậu môn, âm đạo, tiêm tĩnh mạch.

Các phương thức sử dụng

  • Sử dụng cơ hội (occasional use): Là việc sử dụng không thường xuyên, thỉnh thoảng, nhân cơ hội nào đó.
  • Lạm dụng chất (substance abuse): Là việc sử dụng sai mục đích hoặc/và quá liều lượng cho phép hoặc/và quá thời gian cho phép hoặc/và không phù hợp với hoàn cảnh, địa điểm… gây tác hại cho bản thân, gia đình và xã hội.
  • Lệ thuộc/nghiện (dependence): Là thèm muốn bất thường, kéo dài, không kiểm soát được đối với chất gây nghiện mà người bệnh đang sử dụng, gây hậu quả cho bản thân, gia đình và xã hội.
  • Chẩn đoán nghiện: Theo Phân loại bệnh Quốc tế về các rối loạn tâm thần và hành vi (ICD – 10F) của Tổ chức Y tế Thế giới có ít nhất 3 trong 6 triệu chứng sau, diễn ra vào bất kỳ thời điểm nào trong vòng 12 tháng qua:
    • Thèm muốn mãnh liệt sử dụng chất
    • Mất khả năng kiểm soát việc sử dụng chất (bắt đầu, kết thúc hoặc mức độ sử dụng).
    • Ngừng hoặc giảm đáng kể liều đang sử dụng sẽ dẫn đến hội chứng cai.
    • Liều lượng sử dụng chất ngày càng tăng.
    • Luôn tìm kỳ được chất gây nghiện, sao nhãng nhiệm vụ và sở thích cũ.
    • Có bằng chứng rõ rệt về tác hại nhưng vẫn tiếp tục sử dụng chất gây nghiện.
  1. Phân loại chất gây nghiện

Theo nguồn gốc

  • Nguồn gốc tự nhiên: thuốc phiện, cần sa, cocain, một số nấm độc, thuốc

lá, lá khát…

  • Nguồn gốc bán tổng hợp: Heroin
  • Nguồn gốc tổng hợp: các chất dạng amphetamin, ecstasy, LSD 25,

Methadone, buprenorphine, benzodiazepine, barbituric…

Theo luật pháp

  • Chất gây nghiện hợp pháp: rượu, thuốc lá, cà phê.
  • Chất gây nghiện được sử dụng trong y học nhằm mục đích chữa bệnh: thuốc giải lo âu (benzodiazepines), thuốc ngủ, chống động kinh (barbiturics), ephedrine, methadone, buprenorphine…
  • Chất gây nghiện bất hợp pháp (ma túy): Opioids (thuốc phiện, morphine, heroin), các chất dạng amphetamin (Amphetamin, Methamphetamin, Ecstasy) Cocain, Canabis…

Theo tác dụng lâm sàng

Dựa chủ yếu vào tác dụng lâm sàng chính của chất gây nghiện trên hệ thần kinh trung ương và gây ra những biến đổi chức năng tâm thần đặc trưng. Việc phân loại này giúp biết được những rối loạn tâm thần đặc trưng liên quan đến lạm dụng chất của mỗi nhóm, đưa ra được các biện pháp can thiệp, điều trị và dự phòng có hiệu quả cho từng nhóm chất.

  • Các chất gây yên dịu:
    • Các thuốc bình thản, giải lo âu, gây ngủ (Benzodiazepin, Barbituric).
    • Đồ uống có cồn: Rượu, bia và các đồ uống có cồn khác.
    • Các chất dạng thuốc phiện: opioid.
    • Thuốc phiện (opium), codeine, palfium, morphine, heroin, feltanyl, methadone…
  • Các chất kích thần:
    • Thuốc lá, cà phê
    • Amphetamine và các chế phẩm: Methamphetamine, Pervitine, Ritaline…
    • Cocaine
    • Crack (chế phẩm của cocain)
  • Các chất kích thần gây ảo giác:
    • Ecstasy (MDMA, thuốc lắc)
    • Lá khát (cathinone): tăng tiết dopamine, ức chế thu hồi epinephrine, norepinephrine, serotonine.
  • Các chất gây yên dịu và ảo giác:
    • Các dung môi hữu cơ: Colles, Essences, Detachants,
    • Các chất gây ảo giác:
    • Các sản phẩm của cần sa: marijuana (lá khô), haschich (rễ).
    • LSD25 và các chất tương tự.
  1. Nguyên nhân nghiện chất

Các loại chất khác nhau tạo ra mô hình nghiện khác nhau tùy thuộc vào liều lượng và thời gian sử dụng. Các yếu tố di truyền, tâm lý, xã hội và môi trường ảnh hưởng đến sự phát triển và biểu hiện của bệnh. Nguyên nhân gây nghiện là đa nguyên nhân, đó là sự giao thoa giữa con người có nguy cơ cao nghiện chất, chất gây nghiện và môi trường gia đình, xã hội. Cụ thể:

  • Nghiện chất liên quan đến mọi tầng lớp trong xã hội, mọi ngành nghề, ở nông thôn cũng như thành thị.
  • Các đối tượng liên quan ngày càng trẻ, nghiện đa chất và có nhiều hành vi nguy cơ cao (sử dụng chung bơm kim tiêm, tình dục không an toàn…).
  • Các lý do thường được nêu ra: tò mò, bị lôi cuốn bởi cái mới lạ, ý định tiêu khiển, muốn được đồng hoá nhóm ngoài lề xã hội, thể hiện sự từng trải, từ chối các chuẩn mực gia đình và xã hội…
  • Các lý do liên quan đến một số sự kiện trong cuộc sống như: liên quan đến pháp luật, bệnh cơ thể, tâm thần, stress, mại dâm, đồng tính, bị cô lập hoặc lạm dụng thể chất hoặc tình dục, bỏ học, trộm cắp, sống ngoài lề xã hội.
  • Các lý do liên quan đến nhân cách: xung động đòi hỏi được thoả mãn, thiếu tự kiềm chế, nhân cách phụ thuộc, thiếu tự khẳng định bản thân, nhân cách chưa trưởng thành.
  • Các lý do liên quan đến chất gây nghiện: sử dụng chất dạng thuốc phiện để quên đi buồn phiền, giảm đau, để phê sướng, hay sử dụng các chất dạng amphetamin để tăng hưng phấn, tăng tự tin, tăng khả năng làm việc, tăng trí nhớ. Sử dụng chất để làm giảm các triệu chứng rối loạn tâm thần (ví dụ: rối loạn tăng động, giảm chú ý, trầm cảm, lo âu).
  • Các lý do liên quan đến gia đình: buông lỏng giáo dục, thiếu sự giám sát hoặc quan tâm của gia đình, người lớn không gương mẫu, lạm dụng chất ở người lớn, xung đột gia đình thường xuyên, nuông chiều con cái quá mức…, một tỷ lệ phần trăm có nguyên nhân do di truyền sinh học.
  1. Cơ chế nghiện chất

Rối loạn liên quan đến sử dụng chất liên quan đến các loại chất hoạt hóa trực tiếp vào hệ thống tưởng thưởng của não tạo cảm giác thoải mái. Việc hoạt hóa có thể mạnh mẽ đến mức người sử dụng thèm nhớ một cách mãnh liệt, bỏ bê các hoạt động thường ngày để có được và sử dụng chất đó. Việc kích hoạt hệ thống tưởng thưởng thường gây ra cảm giác thích thú, các đặc điểm cụ thể của những cảm giác sung sướng được gợi lên rất khác nhau tùy thuộc vào từng loại chất. Sử dụng chất thường theo một tiến trình từ thử dùng sang sử dụng thỉnh thoảng và sau đó là lạm dụng và nghiện chất. Khả năng gây nghiện phụ thuộc vào sự kết hợp của các yếu tố bao gồm: đường sử dụng, tốc độ mà loại chất đó vượt qua hàng rào máu-não và kích hoạt con đường tưởng thưởng, thời gian để khởi phát tác dụng, khả năng gây dung nạp và/hoặc các triệu chứng cai nghiện. Sự tiến triển của nghiện chất liên quan đến những thay đổi trong mạch não bình thường, dẫn đến những thay đổi về tính mềm dẻo thần kinh do chất gây ra trong thời gian dài. Các chất dẫn truyền thần kinh quan trọng (axit gamma-aminobutyric, glutamate, dopamine, peptide opioid, serotonin, acetylcholine, endocannabinoids, yếu tố giải phóng corticotropin) và mạch thần kinh (vùng não thất, nhân accumbens, amygdala, tiểu não, vỏ não trước trán) làm cơ sở cho những thay đổi bệnh lý ở mỗi giai đoạn này.

  1. Các loại chất gây nghiện chủ yếu: tác động, tác hại

Sử dụng chất gây nghiện ở thanh thiếu niên có thể chỉ đơn thuần là sử dụng nhất thời đến rối loạn sử dụng chất gây nghiện một cách nghiêm trọng. Thanh thiếu niên sử dụng chất gây nghiện có nguy cơ cao mắc những hậu quả cấp tính và lâu dài, thậm chí đe dọa tính mạng tùy thuộc vào chất, hoàn cảnh và tần suất sử dụng. Tuy nhiên, ngay cả khi chỉ sử dụng nhất thời, chất gây nghiện có thể gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe người sử dụng như quá liều, các hành vi bạo lực và hậu quả của việc quan hệ tình dục không an toàn (ví dụ: mang thai, lây nhiễm bệnh qua đường tình dục). Sử dụng chất cũng cản trở sự phát triển trí não của thanh thiếu niên theo kiểu phụ thuộc vào liều lượng. Thường xuyên sử dụng rượu, cần sa (marijuana), nicotin hoặc các loại ma túy khác trong thời kỳ thanh thiếu niên có liên quan đến tỷ lệ rối loạn tâm thần cao hơn, hoạt động kém hơn ở tuổi trưởng thành và tỷ lệ nghiện cao hơn.

5.1 Rượu, bia và các đồ uống có cồn khác

Rượu là một đồ uống phổ biến và được sử dụng thường xuyên nhất ở lứa tuổi thanh thiếu niên, là một chất gây nghiện mạnh, gây dung nạp, phụ thuộc cơ thể và tâm thần, gây nhiễm độc tâm thần, rối loạn hành vi và gây thiệt hại nhiều nhất cho xã hội.

  • Tác động

Rượu giúp giảm căng thẳng, gây yên dịu, buồn ngủ. Liều thấp làm thoải mái, thư thái, tăng giá trị bản thân. Liều cao hơn làm giảm phản ứng, mất điều hòa động tác, lý lẽ, đi xiên vẹo. Nặng hơn dẫn đến rối loạn các chức năng của não như nhận thức, điều hoà hoạt động, suy hô hấp, truỵ tim mạch, hôn mê và tử vong.

  • Tác hại

Đối với cơ thể: mắc các bệnh về gan (xơ gan, ung thư gan); tuỵ (viêm tuỵ, ung thư tuỵ); dạ dày (viêm loét, ung thư); bệnh lý thận, tim, cơ, suy dinh dưỡng, viêm đa rễ dây thần kinh, chấn thương…

Đối với tâm thần: rối loạn trí nhớ, giảm kiềm chế cảm xúc và hành vi (hung hăng, tấn công người khác), lo âu, ảo giác, ghen tuông, hoạt động tình dục không mong muốn, cảm giác bị theo dõi, trầm cảm, sa sút trí tuệ…

Đối với xã hội: thường liên quan đến pháp luật, nguy cơ gây tai nạn.

Xã hội và các phương tiện truyền thông đôi khi mô tả việc uống rượu là chấp nhận được, hợp thời hoặc thậm chí là một cơ chế lành mạnh để kiểm soát căng thẳng, buồn bã hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần. Dù vậy, cha mẹ vẫn có thể tạo sự khác biệt bằng cách đưa ra những yêu cầu rõ ràng cho thanh thiếu niên về việc uống rượu, đặt ra các giới hạn và theo dõi sự chấp hành đó. Mặt khác, thanh thiếu niên có người thân trong gia đình uống quá nhiều rượu có thể nghĩ hành vi này là chấp nhận được. Một số thanh thiếu niên ban đầu chỉ thử uống rượu nhưng sau đó có thể bắt đầu lạm dụng và nghiện rượu. Những yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến nghiện rượu là thời điểm bắt đầu uống rượu ở tuổi trẻ và yếu tố di truyền. Thanh thiếu niên có thành viên trong gia đình nghiện rượu nên được biết rằng họ cũng có nguy cơ cao có thể bị rối loạn này.

5.2. Nicotine (Thuốc lá, thuốc lào, Cigar, Shisa)

Đa số người lớn hút thuốc lá bắt đầu hút thuốc từ thời thanh thiếu niên. Nếu thanh thiếu niên hút thuốc lá trước tuổi 19, có khả năng cao trở thành người hút thuốc khi trưởng thành. Trẻ em dưới 10 tuổi có thể đã thử hút thuốc lá. Các yếu tố nguy cơ cao là cha mẹ hút thuốc hoặc bạn bè và hình mẫu yêu thích (ví dụ những người nổi tiếng) hút thuốc. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm: kết quả học tập kém, hành vi có nguy cơ cao (ví dụ như ăn kiêng quá mức, đặc biệt là trẻ gái, đánh nhau và lái xe khi say rượu, đặc biệt là trẻ trai, sử dụng rượu hoặc các loại chất kích thích khác), khả năng giải quyết vấn đề kém, tình trạng sẵn có thuốc lá và lòng tự trọng giảm.

Thanh thiếu niên cũng có thể sử dụng các sản phẩm thuốc lá dưới những hình thức khác. Thuốc lá không khói có thể nhai (thuốc lá nhai), đặt giữa môi dưới và lợi (thuốc lá nhúng) hoặc loại thuốc lá dạng hít. Phụ huynh có thể giúp con họ tránh sử dụng thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá không khói bằng cách làm gương cho con mình (tức là không hút thuốc hoặc thuốc lá dạng nhai), thảo luận công khai về mối nguy hại của thuốc lá và khuyến khích thanh thiếu niên đã hút thuốc bỏ thuốc lá, tìm đến sự trợ giúp y tế nếu cần.

  • Tác động

Nicotine gây phụ thuộc chủ yếu về tâm thần: khi thiếu có cảm giác căng thẳng, dễ cáu kỉnh, tìm mọi cách để có thuốc hút. Nó cũng giúp vượt qua những trở ngại về tâm thần như lo âu, stress, trầm cảm, tức giận…, tạo cảm giác muốn tăng sự thưởng thức sau một bữa ăn ngon, sau một chiến thắng, một khoái cảm khác… Tuy nhiên, càng hút càng bị phụ thuộc và khó từ bỏ.

  • Tác hại

Thuốc lá được thừa nhận có hại nhưng vẫn được dung túng hoặc sử dụng rộng rãi trong xã hội (giống như rượu), có thể gây viêm thanh quản, rối loạn tiêu hóa, thị giác, trí nhớ, viêm phế quản mạn, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, ung thư lưỡi, họng, phổi… Đặc biệt gây các tác hại tương tự cho những người không hút thuốc ở xung quanh. Một người có thể sử dụng thuốc lá, rượu và các ma túy khác, dẫn đến tăng chi phí chữa bệnh.

5.3. Thuốc lá điện tử

Thuốc lá điện tử (xì gà điện tử) sử dụng nhiệt để làm bay hơi chất lỏng có chứa thành phần hoạt tính, thường là nicotine hoặc tetrahydrocannabinol (THC). Thuốc lá điện tử ban đầu tham gia vào thị trường như một lựa chọn thay thế cho việc hút thuốc dành cho người lớn hút thuốc và các mẫu ban đầu không được thanh thiếu niên sử dụng nhiều. Kể từ đó, chúng đã biến thành “vapes” rất hấp dẫn và ngày càng trở nên phổ biến ở thanh thiếu niên trong vài năm qua, đặc biệt thanh thiếu niên có địa vị kinh tế xã hội trung bình và cao hơn. Thuốc lá điện tử gây ra các tác dụng bất lợi khác nhau so với hút thuốc lá. Các hóa chất khác trong thuốc lá điện tử có thể gây tổn thương phổi cấp tính hoặc mạn tính và nặng nhất dẫn đến tử vong. Ngoài ra, những sản phẩm này có thể có nồng độ nicotine và THC rất cao. THC và nicotine có khả năng gây nghiện cao và có thể có độc tính, cũng như những nguy cơ tiềm ẩn lâu dài khác. Thuốc lá điện tử đang ngày càng trở thành dạng nicotine sử dụng ban đầu cho thanh thiếu niên và nguy hiểm hơn là bị pha trộn thêm các chất ma túy khác.

5.4. Các chất dạng thuốc phiện (opioid)

Các chất dạng thuốc phiện là một loại ma tuý mạnh, gây dung nạp, phụ thuộc cơ thể và tâm thần mạnh. Bao gồm: Thuốc phiện (Opium), Codein là alcaloid của thuốc phiện, Morphine là alcaloide chiết xuất từ thuốc phiện, Heroin là chất bán tổng hợp từ morphine.

  • Tác động

Một liều tiêm tĩnh mạch, heroine mang lại hai hiệu quả: Trước tiên là một

cảm giác cực kỳ thoải mái, nhanh chóng mà một số người coi nó như “flash”. Thường xuất hiện giai đoạn đầu sử dụng, lâu ngày cảm giác này có khuynh hướng biến mất. Tiếp theo là cảm giác yên dịu, thoải mái, dễ chịu, mọi lo âu biến mất, không gian, thời gian thu hẹp, buồn ngủ, co đồng tử, mạch chậm, huyết áp hạ, miệng khô, thở chậm, táo bón, giảm ngon miệng, gầy sút cân… Quá liều có thể dẫn đến hôn mê, suy hô hấp, truỵ tim mạch và có thể tử vong.

  • Tác hại

Về sức khoẻ: suy giảm sức khoẻ, nguy cơ nhiễm viêm gan B, C, HIV… Về kinh tế: giảm thu nhập, thiệt hại kinh tế cho bản thân, gia đình và xã hội… Về việc làm: tai nạn lao động, giảm khả năng lao động, mất việc. Về xã hội: gây bất ổn cho gia đình và xã hội, tai nạn giao thông… Về luật pháp: trộm cướp, mại dâm, giết người…

5.5. Methamphetamin/ Amphetamin (hàng đá)

Methamphetamin/ Amphetamin (hàng đá) có thể được sử dụng bằng đường uống, hút, tiêm chích, gây dung nạp, phụ thuộc cơ thể nhẹ, hội chứng cai nhẹ. Tuy nhiên, gây nhiễm độc và phụ thuộc tâm thần mạnh.

  • Tác động

Methamphetamin/ Amphetamin làm tăng sức chịu đựng, chống đói, chống mệt, chống buồn ngủ, tăng chú ý, tăng tự tin, khoái cảm, tăng tập trung nhưng giảm phê phán, nói nhiều, tăng hoạt động… Do vậy, thường bị lạm dụng bởi các vận động viên, người lái xe tải hạng nặng, sinh viên, thanh thiếu niên…

  • Tác hại

Đối với cơ thể: gây tăng huyết áp, tăng nhịp tim, vã mồ hôi, chán ăn, vắt kiệt dự trữ của cơ thể, gầy mòn, mất khả năng lao động do suy kiệt. Về mặt tâm thần: trở nên cáu gắt, dễ bị kích thích, hung hăng, thậm chí gây gổ.

5.6. Cocain

Sản phẩm từ hoa và lá khô của cây coca. Crack là chế phẩm của Cocain, hiệu quả mạnh hơn. Gây phụ thuộc tâm thần và nhiễm độc tâm thần. Tác động và tác hại tương tự Amphetamine nhưng mạnh hơn.

5.7. Ecstacy (MDMA, thuốc lắc, 3-4-methylenedioxy

methamphetamine)

Ecstasy hay thuốc lắc là một loại chất kích thần gây ảo giác, vì vậy nó vừa

có tác dụng kích thích giống amphetamine, vừa có tác dụng giống chất gây ảo giác. Thường sử dụng đường uống, viên nén, viên nhộng (60-250mg, trung bình 120mg), tiêm tĩnh mạch, tiêm dưới da. Hiệu quả sau khi uống vài phút đến nửa giờ, mạnh trong 5 giờ, có thể tồn dư vài ngày.

  • Tác động

Tăng nhận thức giác quan như màu sắc trở nên sinh động hơn, các tiếng ồn, mùi vị mạnh hơn, các kích thích của môi trường bên ngoài làm xúc động mạnh hơn, tăng hoạt động tâm thần, tư duy quay về nội tâm, giảm khả năng phân biệt giữa bản thân và môi trường, biến đổi hình ảnh cơ thể, ảo tưởng, ảo giác.

  • Tác hại

Tác hại như chất gây ảo giác nhưng tổn thương não nặng và kéo dài hơn (6 tháng hoặc hơn).  Trạng thái loạn thần xuất hiện sau khi sử dụng cấp hoặc mạn tính (kéo dài ít nhất 48 giờ) ý tưởng liên hệ, bị hại, ảo thanh, ảo thị. Thường gặp tăng động hay hưng cảm nhẹ, có thể lo âu, trầm cảm, các cơn phản hồi loạn thần, có thể có các biến chứng như cơn co giật.

Các biến chứng về cơ thể như: Thiếu máu cục bộ cơ tim cấp, nhồi máu cơ tim do co thắt mạch vành, loạn nhịp nhĩ-thất, viêm cơ tim, bệnh cơ tim, vỡ động mạch chủ, nhồi máu ruột, chảy máu dưới màng nhện, tiêu cơ vân cấp, suy thận.

5.8. Cannabis (Cần sa, tài mà, cỏ)

Cần sa là loại chất bất hợp pháp được sử dụng phổ biến. Các thành phần hoạt tính trong cây cần sa được gọi là cannabinoids; cannabinoid thần kinh thực vật chính là delta-9-tetrahydrocannabinol (THC). Nhiều cannabinoid tổng hợp cũng đã được phát triển bất hợp pháp cho mục đích giải trí, chia làm 3 loại: Marijuana: lá và hoa khô, Haschich: chiết xuất từ rễ cây cái, mạnh hơn marijuana 10 lần, Dầu: sền sệt, nhựa đen, độ tập trung THC rất cao. Hút như thuốc lá, trộn vào thức ăn, bánh… Các cannabinoid nội sinh là các chất được sản xuất bởi cơ thể, kích hoạt các thụ thể cannabinoid, chúng dường như đóng vai trò trong việc điều chỉnh sự thèm ăn, cảm giác đau và trí nhớ.

  • Tác động

Tác động của cần sa mạnh hơn nicotine 70 lần. Liều trung bình: cảm thấy khoái cảm, âm thanh, không gian, thời gian biến đổi, ăn nhiều. Liều mạnh: toàn bộ các chức năng tâm thần bị rối loạn, cảm giác thực tại bị rối loạn, không gian, thời gian bị rối loạn nặng, những điều cấm kị bị coi thường, ảo tưởng, ảo giác. Ở một số người có lo âu, buồn ngủ, có thể có hành vi vi phạm pháp luật không kiểm soát được.

  • Tác hại

Bất kỳ loại chất nào gây khoan khoái và giảm lo lắng đều có thể gây phụ thuộc, cần sa cũng không phải ngoại lệ. Người hút liều cao có thể có triệu chứng về hô hấp như viêm phế quản cấp, thở khò khè, ho và tăng tiết đờm. Dữ liệu gần đây cho thấy việc sử dụng cần sa nặng có liên quan đến sự suy giảm nhận thức đáng kể và thay đổi về mặt giải phẫu ở vùng dưới đồi, đặc biệt nếu bắt đầu sử dụng cần sa ở tuổi vị thành niên. Một số nghiên cứu đã mô tả mối liên hệ có thể có giữa việc sử dụng cần sa nặng, mạn tính và tăng nguy cơ rối loạn tâm thần, bao gồm tâm thần phân liệt, trầm cảm, lo âu và lạm dụng các chất khác. Hút cần sa thường xuyên có thể làm giảm số lượng tinh trùng, dẫn đến giảm khả năng sinh sản.

5.9. Chất an thần, gây ngủ (Benzodiazepin, Barbituric)

Gây dung nạp, phụ thuộc cơ thể và tâm thần, thường sử dụng liều cao, đường dùng: uống, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch.

  • Tác động

Benzodiazepin: giảm lo âu, giảm chú ý, giảm phản xạ, giãn cơ, buồn ngủ.

Barbituric: ức chế nhiều chức năng của não, giảm chú ý và quan sát, liều cao ảnh hưởng tới chức năng sống, ngủ sâu, hôn mê, có thể tử vong.

  • Tác hại

Benzodiazepin dùng lâu gây đau đầu, mất cân bằng vận động, lo âu, trầm cảm. Barbituric gây suy yếu cơ thể và tâm thần, mất động cơ, dễ bị kích thích, nguy cơ phát sinh động kinh. Các chất này thường dùng phối hợp với các chất gây nghiện khác như rượu, gây lú lẫn, sảng.

5.10. Các dung môi hữu cơ

Các dung môi hữu cơ như: hồ keo, essence, gas, dung môi hòa tan, ether, benzen, bóng cười (N2O). Trẻ em thường lạm dụng, có thể hít trực tiếp, dung nạp chậm, gây phụ thuộc cơ thể, phụ thuộc tâm thần, nhiễm độc tâm thần.

  • Tác động

Gây khoái cảm từ nhẹ đến say, lú lẫn tâm thần, hôn mê, phù phổi cấp, thường kèm theo ảo tưởng, ảo giác, kích thích mắt, mũi, họng.

  • Tác hại

Có thể gây nôn, đau đầu, viêm phổi, loét dạ dày, mất thăng bằng dẫn đến tai nạn giao thông, tổn thương não, tủy xương, phổi, gan, thận, mắt, dây thần kinh ngoại vi… Về tâm thần: hung dữ, trầm cảm, lú lẫn, hoang tưởng.

5.11. Các chất gây ảo giác (Mescaline, Psilocybine, LSD25)

Các chất này ít gây dung nạp, nhiễm độc tâm thần, không gây phụ thuộc tâm thần. Đường dùng uống hoặc tiêm.

  • Tác động

Gây rối loạn tri giác, ảo thị, ảo thanh, mất liên hệ thực tại, như sống trong mơ.

  • Tác hại

Có thể có những hành vi nguy hiểm cho bản thân như bước qua cửa sổ hoặc lội xuống sông mà không biết. Những nhân cách chưa trưởng thành có thể bị rối loạn tâm thần nặng. Gây dị dạng thai nhi.

  1. Điều trị rối loạn sử dụng chất gây nghiện

Điều trị rối loạn sử dụng chất gây nghiện thay đổi tùy theo chất và hoàn cảnh. Các giai đoạn điều trị khác nhau có thể được điều trị bằng liệu pháp hoá dược và/hoặc liệu pháp tâm lý, tư vấn, hỗ trợ và phục hồi chức năng. Liệu pháp hoá dược sử dụng các loại thuốc khác nhau để điều trị tình trạng nhiễm độc, hội chứng cai, các rối loạn tâm thần liên quan sử dụng chất, các bệnh tâm thần và bệnh cơ thể đồng diễn, điều trị thay thế hoặc đối kháng (ví dụ liệu pháp thay thế nicotin cho rối loạn sử dụng thuốc lá, methadon và buprenorphin đối với rối loạn sử dụng opioid…). Liệu pháp tâm lý như liệu pháp tăng cường động lực, liệu pháp nhận thức-hành vi, liệu pháp gia đình, liệu pháp nhóm, dự phòng tái phát… Đồng thời kết hợp với phục hồi chức năng lao động, gia đình và xã hội.

TTƯT, BSCK II Nguyễn Minh Tuấn

Bệnh viện đa khoa Tâm Anh

Nguyên phó viện trưởng VSKTT-BV Bạch mai

Nguyên giảng viên chính BMTT-ĐHYHN

Bài viết liên quan