Với nhiều tiện ích, ứng dụng, tương tác lớn, dễ thực hiện có thể ở bất cứ nơi đâu, các trang mạng xã hội (MXH) lôi cuốn số người sử dụng (NSD) tăng rất nhanh. Vào facebook (FB), Tiktok thành một thói quen không thể từ bỏ mỗi ngày. Tuy nhiên, nguy cơ trước tiên là lạm dụng FB, Tiktok.. và tiếp theo là lệ thuộc FB, Tiktok.. (nghiện), ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe NSD. Báo Nhân Dân Cuối tuần trò chuyện với ông Nguyễn Minh Tuấn, bác sĩ chuyên khoa 2, Phó viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần Quốc gia để hiểu rõ thêm về vấn đề này.
Nguy cơ lạm dụng MXH (điển hình là FB) đã được cảnh báo trên thế giới, trong đó nước ta cũng không phải ngoại lệ. Là “người trong cuộc”, ông có chia sẻ gì?
Theo định nghĩa: nghiện (hay lệ thuộc) là tình trạng thèm muốn bất thường, kéo dài, không kiểm soát được đối với chất gây nghiện (hoặc cái gì đó gây nghiện), được viện cớ tìm kiếm khoái cảm hoặc một hiệu quả giảm động hoặc tăng động, gây hậu quả cho bản thân, gia đình và xã hội.
Nghiện FB, Tiktok cũng có đặc trưng về diễn tiến tương tự nghiện khác: từ sử dụng, chuyển sang lạm dụng và tiếp theo là trạng thái lệ thuộc (nghiện). NSD thèm muốn sử dụng như một nhu cầu thôi thúc khó cưỡng lại, thể hiện ở một số triệu chứng như cảm thấy khó chịu, bứt rứt không yên khi không thể vào trang mạng xã hội mà mình ưa thích (ví dụ như FB, Tiktok..), họ luôn bị ám ảnh (tâm trí bị choáng chỗ và lấp đầy bởi các huyễn tưởng về FB, Tiktok), cập nhật FB, Tiktok bất cứ khi nào có thể, rất khó dứt ra khỏi FB, Tiktok mỗi khi truy cập; thời gian sử dụng quá dài hàng ngày (vài tiếng đồng hồ hoặc thức thâu đêm); buồn chán, dễ nổi cáu, phản ứng mạnh khi bị ngăn cản dừng sử dụng. Khi trở nên lệ thuộc vào FB, Tiktok, NSD thường xao nhãng công việc ở cơ quan, gia đình và xã hội và các thú vui trước kia, thiếu trách nhiệm với mọi người, sống cô lập, mất mối quan hệ thực và cảm giác thời gian, ảnh hưởng tiêu cực đến công việc, học tập và đời sống.
Phải chăng FB, Tiktok ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe tâm thần?
FB, Tiktok là thế giới ảo, tác hại cái ảo rất nghiêm trọng. Ở người nghiện, trí tưởng tượng bị lệch, cái ảo thay cho cái thực. Người vào FB, Tiktok vô bổ, quá lâu gây mất ngủ, thiếu ngủ, dễ lo âu, trầm cảm, cảm xúc không ổn định, thậm chí quá căng thẳng, ám ảnh dẫn đến loạn thần. Do sử dụng quá nhiều nên não không có thời gian nghỉ, dẫn đến rối loạn hoạt động chức năng của não gây ra các rối loạn tâm thần thường gặp như: mệt mỏi, mất ngủ, ăn không ngon miệng, lo âu, trầm cảm và các bệnh cơ thể tâm sinh khác như: đau dạ dày, tăng huyết áp, thậm chí nguy cơ bị các ri loạn chuyển hoá như tiểu đường typ 2.
Nhiều người nghĩ vào FB, Tiktok để xả stress nhưng có khi họ lại bị stress hoặc gây stress cho những người khác, bởi chính do nhiều nội dung đưa lên FB, Tiktok không được kiểm soát, thiếu tin cậy. Một số nội dung bạo lực, tình dục, ma túy, nhiều người sử dụng nickname dấu mặt để nói xấu, “ném đá”, bôi nhọ hoặc ban đầu nói tốt nhưng “nói dài nói dai thành ra nói dại”, thậm chí cãi nhau trên FB chưa thoả mãn còn lôi kéo bạn bè sử dụng bạo lực trả thù nhau. Người đưa thông tin không có cơ hội để người tiếp nhận thông tin hiểu cặn kẽ trong khi thông tin mập mờ, thiếu xác thực, lại còn dễ bị “tam sao thất bản” gây hiểu lầm. Giao tiếp qua FB, Tiktok cảm xúc nhiều hơn lý trí, thường thiếu trách nhiệm, không lường hết hậu quả có thể gây ra cho bản thân hoặc những người khác. Đa phần là lối nói suồng sã, buông tuồng, không có ý tứ như trong giao tiếp thực nên NSD khi đưa thông tin ra lại nhận nhiều comment chì trích, đâm ra suy nghĩ, tổn thương, buồn chán, lo âu, ngủ không sâu. Đã có vụ NSD không kiềm chế được phát sinh hành vi bạo lực hoặc tự tử.
Và còn thể chất?
Cơ thể người “nghiện” FB, Tiktok cũng bị suy kiệt vì ăn uống thất thường do mải vào FB, Tiktok có những triệu chứng của các rối loạn về khí sắc do rối loạn các nhịp điệu sinh hoạt thường ngày (ăn uống, ngủ nghỉ…), suy giảm khả năng tự chăm sóc bản thân. Ngồi nhiều giờ với Facebook, Tiktok, NSD có nguy cơ béo phì cao vì có xu hướng thích ăn đồ ăn nhanh và ít luyện tập thể dục thể thao. Họ dễ mắc các bệnh đau dạ dày, các bệnh về cột sống, tình trạng khô mắt, giảm thị lực…Nhiều người ham chơi thái quá nên không thiết ăn uống, mất ngủ, sút cân nhanh và nguy cơ hút thuốc, uống rượu…càng nhiều.
Dường như giới trẻ càng say FB, Tiktok hơn?
Đáng báo động là tình trạng trẻ em cô đơn ngay trong chính gia đình mình bởi sự kết dính lỏng lẻo giữa các thành viên trong gia đình, thiếu sự quan tâm của bố mẹ, thiếu điểm vui chơi phải tìm đến thú vui khác, trong đó có FB, Tiktok. Chúng “nghiện” bởi thông tin FB, Tiktok nhanh nhạy và nơi đây biến thành chỗ để “xả stress” khi khó giãi bày, chia sẻ cùng bố mẹ. Mặt khác, tâm lý tuổi trẻ thích nặng về cảm xúc, nhẹ về lý trí, thích đánh bóng, phô trương, trong khi đang ở giai đoạn phát triển chưa đạt mức độ trưởng thành cả nhận thức, tình cảm, lẫn hành vi; mọi hoạt động thường bị cảm xúc chi phối. Nguy hiểm là Các trang MXH làm rút ngắn thời gian não bộ có thể tập trung, ảnh hưởng đến học tập, nghiên cứu.
Top of Form
Vậy “Nghiện” FB, Tiktok nguy hiểm hơn nghiện game, thưa ông?
Bất cứ nghiện nào cũng đều không tốt.
Nghiện facebook, tiktok có nhiều điểm khác biệt. Đối tượng nghiện game chủ yếu là giới trẻ thì nghiện facebook, tiktok đủ đối tượng, thành phần, lứa tuổi; trong đó có không ít phụ nữ “say” tán chuyện qua mạng. Chơi game tốn tiền, dễ bị kích động bạo lực, tình dục còn sử dụng facebook lại miễn phí, cùng lúc có thể tác động tới rất nhiều người nên ảnh hưởng của thông tin tiêu cực là khôn lường.
Kiến nghị?
Trong tương lai gần, nếu không cảnh báo và định hướng, giáo dục và truyền thông đúng đắn về tác hại thì “nghiện” FB, Tiktok sẽ trở thành mối lo ngại hàng đầu. Cần giải quyết vấn đề ở cả bình diện xã hội, vĩ mô và bình diện cá nhân và gia đình trên cơ sở tổng hợp các biện pháp tổng thể trên các mặt về y khoa, tâm thần, tâm lý, giáo dục, truyền thông
Không thể bắt người “nghiện” bỏ sử dụng MXH ngay mà chỉ có thể từng bước hạn chế nó. Khả năng phục hồi còn tùy thuộc nhiều vào mức độ sẵn lòng muốn thay đổi của người nghiện, gia đình môi trường liên quan như những vấn đề khó khăn vốn có trong đời sống, mức độ nghiện nhiều hay ít, thời cơ sử dụng… Thực tế phương thức trị liệu hiện nay mới chỉ áp dụng dùng thuốc để điều trị các triệu chứng như mất ngủ, trầm cảm…chứ chưa có một phác đồ điều trị chuẩn nào cụ thể. Cần xây dựng phác đồ điều trị kết hợp cả hóa dược trị liệu lẫn tâm lý liệu pháp. Phải tạo bước chuyển nhận thức, chỉ rõ tác hại và internet, điện thoại smartphone dễ tìm hơn ma túy nên các gia đình quản lý tốt thời gian sử dụng. Mỗi người cần xây dựng mối quan hệ ở thế giới thực tại, chăm ra đường gặp gỡ bạn bè, chơi thể thao, đi du lịch, sinh hoạt CLB…thay vì chỉ biết dính chặt vào FB, Tiktok.
TTƯT, BSCK II Nguyễn Minh Tuấn
Khoa khám bệnh BVĐK Tâm Anh
Nguyên Giảng viên chính BMTT-ĐHYHN
Nguyên Phó Viện trưởng VSKTTQG
Địa chỉ khám bệnh: Phòng khám chuyên khoa Tâm thần
Giờ mở cửa:
- SĐT | Zalo: 0913 512 821
- Tại phòng khám: Thứ 2 – Chủ nhật từ 14:00 – 17:00
- Tại BV ĐK Tâm Anh: Thứ 2 – Thứ 7 từ 07:30 – 12:00
- SĐT | Zalo: 098 2045825
- Tại phòng khám: Chủ nhật: 09:00 – 11:00
- Tại Viện sức khoẻ tâm thần – Bệnh viện Bạch mai: Thứ 2 – Thứ 6 từ 07:30 – 16:30
Địa chỉ Phòng khám:
- Số 3A ngõ 46 (vào ngõ 44 rồi rẽ trái ngay là ngõ 46) phố Hào nam, phường Ô chợ dừa, quận Đống đa, Hà nội .