Hãy để người dân “ban ơn” cho ngành Y tế

Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai hơn 32 năm gắn bó, tận tâm với nghề, nhưng ông luôn mang trong mình nhiều nỗi trăn trở trước những vấn đề nổi cộm của ngành Y tế trong nhiều năm qua như: quá tải bệnh viện, đạo đức người thầy thuốc… Nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông.

Đang có sự lãng phí rất lớn

– Xin chúc mừng ông vừa được nhận danh hiệu Thầy thuốc ưu tú. Nhiều năm làm việc và cống hiến, ông cũng có rất nhiều kiến nghị và trăn trở trước những vấn đề còn tồn tại của ngành Y tế. Vậy điều ông tâm huyết nhất là gì?

– Có lẽ đó là vấn đề quá tải bệnh viện. Hiện nay, chúng ta đang có sự phân bố, đầu tư không đồng đều giữa các tuyến bệnh viện từ quận, huyện đến tỉnh, Trung ương. Điều tôi muốn nói ở đây không chỉ là vấn đề đầu tư trang thiết bị, máy móc mà cả vấn đề con người. Tôi biết có những bệnh viện máy móc hiện đại nhưng nằm đắp chiếu vì không có người vận hành. Đó là sự lãng phí.

Chúng ta mới chỉ tập trung đầu tư vào tuyến Trung ương chứ chưa chú trọng đến các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh. Trong khi đó, các phương tiện chẩn đoán ngày càng hiện đại và thay đổi rất nhanh chóng. Các tuyến tỉnh, huyện trang thiết bị chưa đầy đủ, thiếu máy móc hiện đại, thiếu cả con người để sử dụng máy móc. Cho nên phải nghĩ đến việc đào tạo đồng bộ cả máy móc và nguồn nhân lực.

Nhiều tỉnh trang thiết bị kém quá. Điều này dẫn đến sự lạc hậu về mọi mặt cho các địa phương nên người dân cứ đổ xô lên tuyến trên. Mà di chuyển từ vùng sâu, vùng xa đi lên Trung ương rất tốn tiền, tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể chết dọc đường. Cho nên cần có sự đầu tư đồng bộ nhằm tiết kiệm cho người dân do phải vận chuyển xa để được khám chữa bệnh.

– Nhưng đó chỉ là một nguyên nhân chủ quan thôi, tôi nghĩ, sự quá tải từ nhiều yếu tố khác nữa nằm trong chính sách vĩ mô, điều tiết của Bộ Y tế.

– Đúng thế. Hiện nay, về y tế có sự phân bổ bất hợp lý. Như Bệnh viện Bạch Mai, Việt – Đức, Phụ sản Trung ương, người Pháp thiết kế chỉ có khoảng 200 đến tối đa 500 giường. Nhưng mình cứ đầu tư dồn ép vào, bao nhiêu khoảng đất trống mình xây dựng hết.

Trước đây chỉ có 500 giường, bây giờ lên đến 2.000 giường, vì thế gây ra bao nhiêu vấn đề bất cập, quá tải về lưu lượng người, quá tải xe cộ và ô nhiễm môi trường sống. Chúng ta cứ thi nhau xây tại chỗ, xây chèn ép vào Bệnh viện Bạch Mai, Việt – Đức, Phụ sản Trung ương. Trong khi khả năng quản lý một bệnh viện lớn như thế thì chúng ta chưa có kinh nghiệm.

Thay vì mở rộng tại chỗ, tại sao chúng ta không nghĩ đến việc xây một Bạch Mai thứ 2, thứ 3 tại các khu đô thị ở Hà Nội – như Mỹ Đình, Trung Hòa – Nhân Chính. Việc mở rộng bệnh viện tại chỗ dẫn đến rất nhiều hệ lụy: tắc đường, ô nhiễm môi trường sống, mật độ người bệnh luôn quá tải khiến người dân bị thiệt hại vì họ phải chi trả quá cao cho các dịch vụ, kể cả đi lại. Xây dựng bệnh viện nên nghĩ đến lợi ích của người bệnh trước hết.

Thứ 2 nữa, Nhà nước nên khuyến khích và tạo điều kiện cấp phép cho tư nhân xây bệnh viện, mở các phòng khám đa khoa. Khuyến khích bằng cơ chế chính sách. Dùng chính sách thuế để điều phối. Ưu tiên cho đầu tư những bệnh viện, phòng khám đa khoa ở vùng xa, hẻo lánh bằng chính sách thuế, miễn giảm thuế cho họ. Các phòng khám gần trung tâm thì chịu mức thuế cao hơn. Và một vấn đề cốt yếu là các phòng khám tư nhân không được phép ở gần bệnh viện vì sẽ dẫn đến hiện tượng chân trong, chân ngoài. Tại sao các phòng khám nhỏ có thể tồn tại bên cạnh những bệnh viện lớn. Nguyên tắc cạnh tranh là cá lớn nuốt cá bé nhưng vì sao cá bé vẫn phát triển tốt?

Sở Y tế nên có một sơ đồ phân bố các bệnh viện và phòng khám trên toàn thành phố và tỉnh đó, để có thể biết nơi nào đang có quá nhiều, nơi nào thiếu bệnh viện, phòng khám để có sự phân bổ hợp lý thông qua chính sách thuế. Cầng gần trung tâm thì thuế càng cao. Càng đi xa thì thuế càng giảm. Và ở vùng sâu vùng xa thì nên chăng miễn thuế cho họ.

Cũng như vậy, việc cấp phép mở các nhà thuốc cũng không nên cấp phép xung quanh bệnh viện mà nên dựa theo địa bàn dân cư. Ví dụ ở phường này có nhà thuốc rồi thì cấp phép mở ở phường khác trên nguyên tắc càng xa bệnh viện thì thuế càng giảm và càng gần bệnh viện thì thuế càng cao.

Quá tải tại các bệnh viện.
– Vậy theo ông, vấn đề quá tải bệnh viện có thể giải quyết được không và giải quyết như thế nào?

– Theo tôi, một nền y tế tiên tiến là số giường nội trú ngày càng giảm và số khám bệnh ngoại trú ngày càng tăng. Hiện nay, các nước tiên tiến trên thế giới người ta giảm quy mô bệnh viện, giảm số giường nội trú và phát triển nhiều các phòng khám bệnh ngoại trú, thậm chí nhân viên y tế làm 50% thời gian ở bệnh viện và 50% ở cộng đồng. Như vậy, chỉ trường hợp quá nặng, quá khả năng của bác sĩ ở đó mới chuyển đến bệnh viện và chính họ là người tư vấn cho bệnh nhân và gia đình nên chuyển bệnh nhân đến nơi nào tránh cho bệnh nhân đi sai địa chỉ. Như vậy giúp cho việc chăm sóc người bệnh được tốt hơn. Bác sĩ vừa làm việc ở cộng đồng, chăm sóc sức khỏe ngay tại cộng đồng sẽ tránh được việc bệnh nhân dồn lên bệnh viện. Chúng ta nên giúp gia đình bệnh nhân chăm sóc người thân của họ tại nhà, như vậy tốt hơn cho bệnh nhân, cho gia đình và cho y tế. Nếu chúng ta giảm được nội trú, tăng ngoại trú thì chúng ta giảm được nhiều áp lực lớn.

Thay đổi tư duy – coi bệnh nhân là khách hàng

– Gần đây có nhiều bệnh nhân phản ánh rằng, khi khám bệnh, họ bị bác sĩ lạm dụng thuốc và xét nghiệm, điều đó có hay không thưa ông?

– Đây là vấn đề có thật nhưng không phải tất cả các bác sĩ đều làm điều đó. Có một số bác sĩ lạm dụng xét nghiệm, lạm dụng thuốc, lạm dụng người bệnh để trục lợi. Điều này đã ảnh hưởng đến uy tín của ngành Y tế giống như con sâu bỏ rầu nồi canh. Thầy thuốc càng giỏi thì càng ít sử dụng xét nghiệm và đơn thuốc của họ càng giản đơn, chỉ có một loại thuốc hoặc không có loại thuốc nào.

Sự thật là tôi rất đau lòng khi phải chứng kiến nhiều bệnh nhân bị lạm dụng thuốc một cách công khai, trắng trợn mà mình không thể làm gì được, nói gì đến người bệnh và gia đình của họ.

– Ông đã đi học tập và làm việc ở nước ngoài nhiều, ông cho biết việc quản lý bệnh viện ở Việt Nam và nước ngoài có gì khác nhau không?

– Vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước, các bệnh viện ở những nước phát triển họ vẫn dùng các bác sĩ làm giám đốc bệnh viện nhưng khoảng 30 năm trở lại đây, họ lại sử dụng các nhà quản lý để làm giám đốc bệnh viện và bên cạnh đó là có hội đồng chuyên môn giúp giám đốc điều hành bệnh viện tốt hơn. Còn chúng ta hiện nay vẫn sử dụng các bác sĩ làm quản lý bệnh viện. Như vậy rất lãng phí và kém hiệu quả. Chúng ta nên thay đổi tư duy, coi bệnh viện cũng là những doanh nghiệp lớn và cần người quản lý tương xứng. Điều đó chúng ta chưa làm được. Có như vậy mới giúp cho các bệnh viện phát triển bền vững, cạnh tranh được với các nước khác.

Nếu người làm lãnh đạo, để quá tải bệnh viện đáng lẽ phải cắt thi đua. Nhưng ở đây, quá tải lại được khen thưởng, được thu nhập cao. Bệnh viện quá tải, nhân viên và bệnh viện vẫn được khen thưởng thì người ta vẫn tiếp tục để cho quá tải. Còn nếu bệnh viện để quá tải mà bị cắt khen thưởng thì tôi thiết nghĩ, lãnh đạo bệnh viện đó sẽ tìm cách giảm quá tải.

Hy vọng có những chính sách làm giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện.
– Có một thực tế là chúng ta đang yếu kém về mặt dịch vụ, sự quá tải, xuống cấp của bệnh viện khiến người dân sợ hãi khi nói đến hai từ bệnh viện. Và nhiều năm qua, một lượng ngoại tệ lớn chi trả cho việc khám, chữa bệnh đang chảy ra nước ngoài?

– Chuyên môn chúng ta không hề kém. Nhưng dịch vụ thì chúng ta quá kém. Trong mỗi bệnh viện, chúng ta nên đáp ứng nhu cầu dịch vụ cao cho khoảng 5% những người giàu, 10% cho những người trung lưu và 85% cho những người nghèo để tránh chảy máu đô la ra nước ngoài vì những lý do không cần thiết. Hãy coi bệnh nhân như những khách hàng đặc biệt, khách hàng là thượng đế.

Chính sự quá tải mới dẫn đến sự ban ơn của ngành Y tế cho người dân. Trong khi đáng lý ra người dân phải là người mang đến sự phát triển cho ngành Y tế mới phải khi họ đến sử dụng dịch vụ của anh. Bởi người dân không đến thì coi như bệnh viện phá sản. Tôi mua gói dịch vụ này thì anh phải tri ân khách hàng chứ. Các lĩnh vực khác họ đều tư duy như vậy, chỉ có ngành Y tế là vẫn chưa thay đổi.

Về chính sách bảo hiểm y tế, cũng nên có bảo hiểm toàn dân và bảo hiểm lựa chọn. Tại sao không có bảo hiểm ở nhiều mức độ khác nhau, cấp huyện, cấp tỉnh, cấp Trung ương và bảo hiểm đặc biệt với nhiều mệnh giá khác nhau. Người mua bảo hiểm đặc biệt phải trả giá cao hơn rất nhiều, họ có thể vào bất cứ bệnh viện nào từ cấp đặc biệt trở xuống… Như vậy, ta có thể phân cấp được các loại dịch vụ đáp ứng được nhu cầu của người dân như những khách hàng đặc biệt. Có như thế chúng ta mới ngăn được dòng ngoại tệ chảy ra nước ngoài, lấy nó đầu tư cho cơ sở vật chất, góp phần giảm áp lực quá tải bệnh viện.

– Cảm ơn cuộc trò chuyện của ông

Nguồn: https://cand.com.vn/Phong-su-Tieu-diem/Hay-de-nguoi-dan-ban-on-cho-nganh-Y-te-i322096/

Bài viết liên quan