Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sức khỏe tình dục là một trạng thái của thể chất, tâm thần và xã hội liên quan đến tình dục. Nó đòi hỏi một cách tiếp cận tích cực và tôn trọng đối với các mối quan hệ tình dục, cũng như khả năng có những trải nghiệm tình dục thú vị và an toàn, không bị ép buộc, phân biệt đối xử và bạo lực.
Các vấn đề về sức khỏe tình dục là các tình huống trong cuộc sống có thể được giải quyết thông qua giáo dục về tình dục và các hoạt động trên phạm vi xã hội để thúc đẩy sức khỏe tình dục của cá nhân. Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần, rối loạn chức năng tình dục bao gồm các bệnh lý về sức khỏe tình dục gặp ở cả hai giới, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của cá nhân, cũng như gián tiếp đến hạnh phúc của gia đình.
- Rối loạn chức năng tình dục là gì?
Các giai đoạn của quá trình hoạt động tình dục bao gồm: giai đoạn ham muốn, kích thích, ổn định, cực khoái và thoái trào. Theo phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 của Tổ chức Y tế Thế giới (ICD-10): Rối loạn chức năng tình dục bao gồm các cách thức khác nhau, trong đó người bệnh không thể tham gia vào mối quan hệ tình dục như mong muốn. Có thể thiếu quan tâm, thiếu thích thú, thất bại trong đáp ứng sinh lý cần thiết cho mối quan hệ tình dục có hiệu quả (như rối loạn cương dương), hoặc không có khả năng kiểm tra hoặc cảm nhận cực khoái.
- Tỷ lệ các rối loạn chức năng tình dục
Rối loạn chức năng tình dục rất phổ biến, ảnh hưởng đến 43% phụ nữ và 31% nam giới. Rối loạn ham muốn tình dục quá mức đã được báo cáo ở khoảng 30% phụ nữ và 15% nam giới trong các nghiên cứu dựa trên dân số, có liên quan đến nhiều nguyên nhân y tế và tâm lý. Rối loạn kích thích tình dục, bao gồm rối loạn cương dương ở nam và rối loạn kích thích tình dục ở nữ, gặp 10-20% nam và nữ, liên quan nhiều đến tuổi của nam giới. Rối loạn cực khoái tương đối phổ biến ở phụ nữ, ảnh hưởng đến khoảng 10-15% trong các nghiên cứu dựa vào cộng đồng. Ngược lại, xuất tinh sớm là phàn nàn về tình dục phổ biến nhất của nam giới, với tỷ lệ báo cáo khoảng 30% trong hầu hết các nghiên cứu. Rối loạn đau tình dục được báo cáo ở 10-15% phụ nữ và dưới 5% nam giới.
- Các biểu hiện của rối loạn chức năng tình dục
- Hoàn toàn không có ham muốn tình dục hoặc ham muốn tình dục thấp.
- Không có khả năng kích thích hoặc duy trì kích thích trong suốt thời gian hoạt động tình dục.
- Xuất tinh nhiều lần với kích thích tình dục tối thiểu, xuất tinh sớm hoặc muộn.
- Bôi trơn không đủ mặc dù có hưng phấn tình dục.
- Không đạt được cực khoái sau khi trải qua giai đoạn hưng phấn bình thường.
- Đau khi giao hợp
- Nguyên nhân gây rối loạn chức năng tình dục
Yếu tố thể chất
- Gen, hormon, các chất dẫn truyền thần kinh, tuổi, bệnh lý cơ thể (bệnh lý nội tiết mạn tính như đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, bệnh lý sinh dục tiết niệu như các bệnh bẩm sinh về nhiễm sắc thể, dị dạng cơ quan sinh dục – tiết niệu, các bệnh mắc phải như ung thư tiền liệt tuyến, phẫu thuật cắt buồng trứng và tử cung hoàn toàn,…), các loại thuốc.
Yếu tố tâm thần, cá nhân, xã hội
- Yếu tố tâm thần: Trầm cảm, lo âu, stress, hình ảnh bản thân, lạm dụng chất, tiền sử lạm dụng tình dục.
- Yếu tố giữa các cá nhân: Tình trạng mối quan hệ hoặc chất lượng, chức năng tình dục của bạn tình.
- Yếu tố văn hóa xã hội: Sự giáo dục, kỳ vọng, chuẩn mực văn hóa và ảnh hưởng của tôn giáo.
- Khi có biểu hiện nghi ngờ rối loạn chức năng tình dục bạn nên đi khám ở đâu?
- Mọi người thường cảm thấy xấu hổ khi thảo luận các mối quan tâm về sức khỏe tình dục, nhưng đừng để điều đó ngăn cản bạn đến gặp bác sĩ. Các rối loạn chức năng tình dục phổ biến và đều có thể điều trị được.
- Người bệnh cần gặp bác sĩ chuyên khoa Tâm thần để được khám, chẩn đoán và tư vấn điều trị thích hợp. Chẩn đoán dựa trên tiền sử bệnh tật và tình dục của người bệnh. Ngoài ra, bác sĩ có thể cho bạn thực hiện một số xét nghiệm và làm các trắc nghiệm tâm lý để giúp xác định các bệnh lý cơ thể và vấn đề tâm lý tiềm ẩn có thể gây ra rối loạn.
- Điều trị
- Rối loạn chức năng tình dục tác động đáng kể đến hoạt động giữa các cá nhân, chất lượng cuộc sống của cả hai giới. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc lứa đôi.
- Các phương pháp điều trị bao gồm các trị liệu tâm lý (giáo dục tình dục, liệu pháp nhóm, liệu pháp cặp đôi, liệu pháp hành vi…), điều trị hoá dược (Sildenafil, thuốc giải lo âu, chống trầm cảm, thuốc tác động lên hệ dopamin…), hoặc các liệu pháp điều trị khác tuỳ thuộc loại rối loạn chức năng tình dục.
- Chế độ dinh dưỡng
- Một số thực phẩm nên có trong chế độ ăn uống để có sức khỏe tình dục tốt hơn như quả bơ, tỏi, gừng, quả hạch, dầu ô liu, hành, cá hồi…
- Một số loại thực phẩm có thể làm trầm trọng thêm rối loạn tình dục và do đó, những người có vấn đề hoặc đang điều trị phải tránh tuyệt đối những thực phẩm này. Một số loại thực phẩm nên được tiêu thụ với số lượng hạn chế hoặc tốt nhất là không gồm: thịt đỏ, đồ uống có chứa caffein như trà, cà phê và đồ uống có ga, rượu, đồ ăn có đường, thực phẩm giàu tinh bột như các sản phẩm đã qua chế biến hoặc đóng gói.
- Một số chuyên gia chăm sóc sức khỏe gọi Vitamin E là vitamin giới tính vì nó giúp sản xuất hormone giới tính. Họ tin rằng nó cải thiện sự hấp dẫn tình dục, ham muốn và cảm xúc. Do đó, tăng cường bổ sung các loại vitamin này có thể làm giảm đáng kể các rối loạn tình dục.
TS.BS. Nguyễn Thị Phương Mai
Viện Sức khoẻ Tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai